Nền kinh tế thực sự đang rất khó khăn

Nền kinh tế thực sự đang rất khó khăn

Về thực trạng nền kinh tế ở thời điểm hiện tại, các chuyên gia cho biết có dấu hiệu bất thường, tổng cầu của nền kinh tế đang sụt giảm mạnh, nền kinh tế Việt Nam đang khó khăn nhất 30 năm qua.

Kinh tế có dấu hiệu bất thường

Trong buổi tọa đàm “Phục hồi tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới” diễn ra sáng 11/07/2023, PGS.TS Phạm Thế Anh cho biết, tăng trưởng kinh tế trong quý 2 có sự cải thiện hơn so với quý 1 nhưng xuất hiện hiện tượng ‘bất thường’ xảy ra với kinh tế Việt Nam.

Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý 2 có sự cải thiện hơn so với quý 1. Tuy nhiên, so với trung bình của các năm trong điều kiện bình thường thì tăng trưởng kinh tế vẫn thấp hơn.

Nhìn sâu vào các lĩnh vực, nhiều ngành nghề tiếp tục suy giảm mạnh, đặc biệt là những ngành liên quan tới công nghiệp chế biến, chế tạo hướng đến xuất khẩu hoặc hướng vào các ngành tiêu dùng không thiết yếu.

Trong quý 1, GDP Việt Nam được hỗ trợ rất nhiều từ khu vực xây dựng và chủ yến đến từ đầu tư công. Cụ thể, ngành xây dựng tăng tới khoảng 7 %, điều này giúp cho tăng trưởng GDP của Việt Nam được cải thiện.

Hơn nữa, sự cải thiện của GDP trong quý 2 so với quý 1 đến từ những lĩnh vực tạo sự bình ổn không chắc chắn của nền kinh tế. Sự suy giảm rất mạnh của khu vực sản xuất, chế biến, chế tạo vẫn tiếp tục. Nếu nhìn sâu hơn vào chỉ số sản xuất công nghiệp của các ngành này thì đều thấy có sự sụt giảm rất mạnh.

Đặc biệt, kinh tế Việt Nam có một điểm bất thường. Cụ thể, giá trị tăng thêm trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thì tăng khoảng 1,56-1,8%, tức là tránh được sự suy giảm tăng trưởng âm hai quý liên tiếp.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào chỉ số sản xuất công nghiệp thì rất nhiều ngành nghề có chỉ số sản xuất công nghiệp âm. Trong điều kiện bình thường với cấu trúc của nền kinh tế trước năm 2022, giá trị tăng thêm của sản xuất công nghiệp phải tăng thấp hơn so với chỉ số sản xuất công nghiệp, nhưng từ năm 2022 đến nay thì ngược lại, điều này thể hiên sự bất thường của nền kinh tế .

Hiện nay, lạm phát bắt đầu giảm, điều này thể hiện sức cầu yếu của nền kinh tế. Nguyên nhân về giá cả giảm thì có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất là do thu nhập của người dân giảm sút khiến cho cầu tiêu dùng hàng hóa giảm.

Thứ hai là thị trường tài sản ở Việt Nam sụt giảm rất là mạnh, đặc biệt là từ cuối quý 4/2022 cho đến quý 1/2023, thị trường bất động sản, thị trường cổ phiếu chứng khoán giảm rất là mạnh kéo theo tiêu dùng suy giảm rất là nhanh.

Rồi cung tiền trong năm 2022 thì cũng tăng rất là chậm, lãi suất thì ở mức cao, giá nguyên vật liệu cũng giảm so với các năm trước, giúp cho lạm phát của nền kinh tế dễ chịu hơn rất nhiều. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản, lạm phát lõi thì đang giảm rất chậm.

Nhìn chùng, các thành phần cấu thành nên tổng cầu đều suy yếu, ngoại trừ đầu tư công thì tăng khá. Đầu tư nhà nước tăng mạnh nhưng vẫn còn thấp hơn so với kế hoạch do thiếu động lực, vướng mắc pháp lý và giá nguyên vật liệu khiến cho các nhà đầu tư vào không mặn mà trong việc tham gia vào các dự án đầu tư công.

Đối với đầu tư tư nhân thì tăng rất chậm do lãi suất cao, khó tiếp cận tín dụng, khó tiếp cận vốn trên thị trường chứng khoán và đặc biệt là niềm tin của nhà đầu tư giảm sút nên họ không mặn mà trong việc đầu tư.

Còn đầu tư nước ngoài thì tương đối là ổn định. Tuy nhiên không nên kỳ vọng dòng vốn nước ngoài có thể hỗ trợ cho nền kinh tế trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn bởi vì khu vực này thường đầu tư vào xuất khẩu.

Trong bối cảnh hiện nay, PGS.TS Phạm Thế Anh đưa ra một số khuyến nghị chính sách. Thứ nhất là khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua việc tiếp tục hạ lãi suất cho vay. Tuy nhiên, qua những diễn biến vừa rồi, với động thái quyết liệt hạ lãi suất thì cũng đã chạm tới điểm giới hạn giới hạn của chính sách tiền tệ. Đối với việc hạ lãi suất vừa giúp cho doanh nghiệp hạ chi phí vốn và đồng thời phải cải thiện cái khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.

Thứ hai, nên khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua sử dụng tín dụng thuế đầu tư, tức là Nhà nước cần phải có một danh sách những ngành nghề mà muốn tư nhân tham gia vào đó. Cùng với đó, trong cái thời gian này đưa ra các ưu đãi để họ có thể tham gia vào ngay.

Thứ ba, cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt là các dự án đầu tư công trọng điểm, các cái dự án trọng điểm quốc gia, cơ sở hạ tầng.

Chờ làm rút BHXH tại Tp. Thủ Đức

Lao động chờ làm hồ sơ rút BHXH một lần tại Cơ quan Bảo hiểm xã hội Tp. Thủ Đức cuối năm 2022. Ảnh: vnexpress.net.

Tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam sụt giảm mạnh

PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu, Hiệu phó Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết từ đầu năm 2023 đến nay, kinh tế thế giới gặp nhiều bất ổn, xuất phát từ lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, các ngân hàng trung ương tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt, nhiều nền kinh tế lớn đã tăng trưởng chậm lại và các yếu tố chính trị như xung đột Nga – Ukraine vẫn đang còn diễn biến rất phức tạp.

Trong tình hình đó, kinh tế Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức. GDP 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 3,72%, đây là mức tăng thấp so với cùng kỳ trong giai đoạn 10 năm qua, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% cùng kỳ của năm 2020 (do ảnh hưởng mạnh của COVID-19 thời điểm đó).

Liên quan đến thương mại quốc tế, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam duy trì thặng dư thương mại 12,25 tỷ USD. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm mạnh so với cùng kỳ, lần lượt giảm 12,1% và 18,2% do nhu cầu từ các thị trường chính của Việt Nam như Mỹ, ASEAN, EU và một số quốc gia Đông Á đều giảm. Lượng xuất khẩu tới thị trường Mỹ giảm mạnh nhất với mức 22,6%, lượng nhập khẩu từ Hàn Quốc chứng kiến mức giảm 25,6% – lớn nhất trong các thị trường chính. Điều này cũng khiến cho sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Việt Nam giảm mạnh so với cùng kỳ.

Theo PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu, những số liệu trên cho thấy sự sụt giảm mạnh từ phía tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam.

“Mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 trở nên rất khó khăn trong bối cảnh những tác động từ thế giới còn khó lường trong khi khu vực sản xuất trong nước còn chưa hoàn toàn hồi phục sau đại dịch. Điều này đòi hỏi Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan cần khẩn trương có những biện pháp thích hợp, kịp thời để phục hồi tổng cầu, phát triển kinh tế trong bối cảnh mới”, PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu nhận định.

Kinh tế Việt Nam khó khăn nhất 30 năm qua

Bình luận về thực trạng nền kinh tế ở thời điểm hiện tại, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương, khẳng định với kinh nghiệm và trải nghiệm hơn 30 năm trong Chính phủ của ông thì đây là thời điểm khó khăn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam. Khó khăn càng đè nặng hơn khi chưa tìm thấy lối ra. Trong khi đó, đánh giá nói chung của các cơ quan nhà nước chưa sát với tình hình thực tế.

“Chúng ta vui mừng trước những ánh sáng như con đom đóm rồi sẽ mất đi và hài lòng với những thứ đó nên không tìm được giải pháp. Tôi cho rằng có nhiều vấn đề quá, nói đến tổng cầu mà Chính phủ có thể kiểm soát, có thể tăng là đầu tư công, còn những thứ khác đáng kể chỉ là giảm thuế giá trị gia tăng… ngoài ra không còn gì khác”, TS Nguyễn Đình Cung nói và cho rằng việc giảm thuế 6 tháng cũng là quá ít, trong tình hình khó khăn còn kéo dài lẽ ra nên giảm nhiều hơn.

Về đầu tư công, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng không nên hy vọng tư nhân đầu tư vào thời điểm này, bởi lẽ không có động lực, không có cơ chế khuyến khích, tinh thần kinh doanh rất ảm đạm. Ông cũng thừa nhận rằng nói đến đầu tư công là vấn đề “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, vì không phải bây giờ mới chậm, mà đã kéo dài nhiều năm nay. Tất cả chúng ta đều biết nhưng vấn đề hiện nay là việc chậm này ngày càng trầm trọng hơn.

Để gỡ khó, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng việc đầu tiên cần làm là hóa giải được cái gọi là “không ai muốn làm” nếu không thì việc chậm vẫn xảy ra; phải nêu rõ cách làm thế nào, ai làm.

“Tôi cho rằng muốn đẩy mạnh đầu tư công cần bỏ chủ trương đầu tư trong Luật Đầu tư, tất cả những dự án đầu tư công quan trọng đã có trong quy hoạch, qua rất nhiều vòng lựa chọn rồi thì nên cho triển khai ngay, khi có quyết định là tìm kiếm nhà đầu tư luôn chứ không đợi triển khai rồi mới tìm, như vậy sẽ mất 3 – 4 năm nữa”, ông Cung nói.

Bên cạnh đó, theo ông Cung cũng nên xem lại một số quy định trong Luật Đầu tư và một số luật liên quan khác, từ đó bỏ đi những thứ đang kìm hãm hay ngăn cản trong việc đầu tư.

“Thậm chí, việc bỏ đi một khâu xin phép trong thủ tục là giảm đi một rủi ro đối với những công chức thực thi, bởi thực tế đã có nhiều vụ việc làm trái trái quy định gây thất thoát, hậu quả nghiêm trọng”, ông Cung nhấn mạnh.

Nguồn:

  • https://vietnamfinance.vn/tong-cau-sut-giam-manh-nen-kinh-te-kho-khan-nhat-30-nam-qua-20180504224286477.htm
  • https://cafef.vn/hien-tuong-bat-thuong-xay-ra-voi-kinh-te-viet-nam-188230711135811944.chn
Zalo
0914.811.122