Khó khăn đang bủa vây ngành xây dựng và có liên quan trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt với nguy cơ suy thoái.
Thị trường bất động sản Việt Nam vẫn đang còn khó khăn, nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hầu hết các nhà thầu, doanh nghiệp xây dựng đều đang đối mặt với vô vàn khó khăn.
Sau tác động to lớn từ đại dịch COVID-19, đặc biệt là sự xáo trộn của thị trường bất động sản, các công ty và nhà thầu xây dựng trên cả nước đang đối mặt với tình trạng nợ đọng kéo dài do chủ đầu tư dự án mất khả năng chi trả hoặc chây ì trả nợ.
Điều này khiến doanh nghiệp xây dựng rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, nợ ngân hàng, nợ nhà cung cấp, nợ nhà thầu phụ, nợ lương nhân viên và cả nợ thuế. Nhiều dự án, công trình không có chi phí hoạt động, phải dừng thi công.
Đơn cử như trường hợp Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông Tp. Buôn Ma Thuột, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn đã chấm dứt hợp đồng với Công ty Cổ phần Licogi 166 do không đảm bảo tiến độ đã đề ra, không còn khả năng thực hiện công việc.
Nhà thầu này đảm nhiệm thi công đoạn Km20+500 – Km29+880 và đã giải phóng mặt bằng được một đoạn dài 4,29 km nhưng lại ngừng thi công. Lý do được nhà thầu đưa ra là không còn khả năng thực hiện hợp đồng. Chủ đầu tư đã làm thông báo chấm dứt hợp đồng đối với công ty này và chuyển khối lượng cho các liên danh còn lại theo quy định.
Theo đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần Licogi 166, Hội đồng quản trị công ty vừa phải thông qua nghị quyết tạm ngừng kinh doanh 1 năm, kể từ ngày 15/03/2023 đến 14/03/2024, với lý do hoạt động kinh doanh gặp khó khăn. Doanh nghiệp có 60% doanh thu đến từ xây lắp, tuy nhiên người lao động đã nghỉ việc nên không thể triển khai được hoạt động kinh doanh.
Thực tế, công ty đã gặp khó khăn từ năm 2019 vì không có việc, ít dự án và tài chính khó khăn. Một số dự án triển khai thì vướng mắc pháp lý, công tác giải phóng mặt bằng, vì vậy công trình tồn đọng kéo dài… Bên cạnh đó, tác động to lớn từ hai năm đại dịch COVID-19 khiến hoạt động của công ty trì trệ, khánh kiệt tài chính và nợ ngân hàng đã bị chuyển nhóm sang nợ xấu từ tháng 07/2021.
Chấm dứt hợp đồng với Công ty Cổ phần Licogi 166.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp xây dựng và vật liệu xây dựng chia sẻ, từ cuối năm 2022 đến nay, tình trạng sản xuất, kinh doanh của họ gặp nhiều khó khăn do không có công trình, đơn hàng khan hiếm, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, hầu hết các đơn vị đều trong tình trạng bị chủ đầu tư nợ tiền thi công… Thậm chí các nhà thầu, doanh nghiệp xây dựng nhỏ lẻ chuyên thi công nhà ở, công trình tư nhân cũng gặp khó vì ít công trình.
Thực tế, tình trạng nợ đọng trong ngành xây dựng không phải chuyện mới, từng gây khó cho nhiều nhà thầu. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, ngành xây dựng phụ thuộc rất lớn vào sự phát triển của thị trường bất động sản. Thị trường tốt, các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng sẽ “ăn nên làm ra”. Còn ngược lại, thị trường khó khăn, dự án đình trệ, có thể gây ra sự đổ vỡ dây chuyền.
Một số chuyên gia trong ngành xây dựng nhận định, biến động giá cả vật liệu quá lớn, thủ tục pháp lý phức tạp, bị nợ đọng, công tác thanh kiểm tra chồng chéo… đang khiến các doanh nghiệp xây dựng đối mặt với chồng chất khó khăn. Đặc biệt, “bão giá” đã quét sạch những lợi nhuận hi hữu còn lại, đẩy nhiều doanh nghiệp rơi vào thua lỗ.
Thi công xây dựng nhà ở tư nhân.
Những tháng đầu năm 2023, giá trị ngành công nghiệp xây dựng nói chung tăng chậm, ngoài nguyên nhân do thị trường bất động sản ảm đạm, tắc nghẽn vốn, nhà thầu thi công cầm chừng… thì còn xuất hiện tình trạng một số đơn vị kinh doanh vật liệu xây dựng “găm” hàng để chờ dự án trọng điểm. Điều này khiến cho ngành xây dựng đã khó lại càng thêm khó.
Các ngành chức năng, đơn vị, địa phương cần tiến hành thanh kiểm tra, xử lý quyết liệt tình trạng “găm” hàng vật liệu xây dựng trên địa bàn. Đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp trong ngành xây dựng nói riêng một cách kịp thời.
Để thoát khỏi khó khăn “bủa vây”, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý, giảm thiểu “phí không tên”. Đặc biệt, các nhà thầu đang mong muốn giải ngân vốn đầu tư công rút ngắn thời gian và thủ tục hơn.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần cho phép các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, thời gian được cơ cấu là 24 tháng, áp dụng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất – kinh doanh vật liệu xây dựng, cũng như đối với các chủ đầu tư dự án bất động sản.
Đồng thời, Chính phủ cũng cần nhanh chóng có các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc hiện tại về pháp lý cho các dự án nói chung và dự án bất động sản nói riêng. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng xây dựng và bán hàng, đáp ứng các điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay, nhanh chóng đưa công trình vào khai thác… Điều quan trọng hơn là khôi phục hiệu quả toàn hệ sinh thái của ngành bất động sản bao gồm xây dựng, sản xuất – kinh doanh vật liệu xây dựng.
Trước tình hình giá nhiên liệu xăng, dầu và một số loại vật liệu như thép có nhiều biến động, việc xác định giá công bố theo tháng là chưa đáp ứng kịp thời giá cả thị trường, vì vậy Bộ Xây dựng đã đề nghị các địa phương theo dõi sát, tổ chức công bố giá cho các loại vật liệu khi có sự biến động. Đối với vật liệu chuyên ngành giao thông (có yêu cầu kỹ thuật riêng) được khai thác, sản xuất hoặc phổ biến trên địa bàn địa phương mà chưa có trong danh mục công bố giá, đề nghị chủ đầu tư dự án tập hợp, báo cáo để UBND, Sở Xây dựng các địa phương tổ chức xác định và công bố.